LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 30 tháng 9 năm 1964): “Học có tốt, hành mới tốt. Học và hành tốt mới làm trọn nhiệm vụ người thanh niên cách mạng”
Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên Thủ đô”, ngày 30 tháng 9 năm 1964, đăng trên Báo Nhân dân, số 3836, ra ngày 01 tháng 10 năm 1964. Bác căn dặn: “Thanh niên phải ra sức học tập chính trị, văn hóa và khoa học, kỹ thuật. Học có tốt, hành mới tốt. Học và hành tốt mới làm trọn nhiệm vụ người thanh niên cách mạng… Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cho thanh niên nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa và động cơ của việc học tập trong chế độ mới, khắc phục những cách tư duy cũ do nền giáo dục thực dân, phong kiến để lại. Người dạy: Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức để làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà. Bên cạnh việc xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn, Người yêu cầu tuổi trẻ phải thực hiện học tập toàn diện và học tập phải gắn liền với rèn luyện. Người dạy thanh niên phải sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Bởi vậy, theo Bác muốn thành công trong công việc phải biết kết hợp giữa học và hành một cách chặt chẽ và xuyên suốt. Lấy lí thuyết hỗ trợ cho hành động và ngược lại lấy hành động để khẳng định sự đúng đắn của lí thuyết. Vận dụng lí thuyết vào hành động thì lí thuyết được kiểm chứng. Từ đó rút kinh nghiệm, nâng cao hơn hiệu quả công việc. Thực tiễn cho thấy, phương châm học đi đôi với hành là hoàn toàn đúng đắn. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở… phải được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống trước hết là để hoàn thiện kĩ năng con người. Sau đó là tạo ra những thành quả vật chất, tinh thần phục vụ con người.
__________
– Ngày 30-9-1920, tại Pari, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đi mua sắm đồ nghề làm ảnh và dự cuộc họp Chi bộ 13 Đảng Xã hội tại một quán cà phê.
Trước đó một năm, tháng 9-1919, được sự giới thiệu của đại diện Chính phủ lâm thời Triều Tiên tại Pari, một phóng viên Mỹ đã tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc và phỏng vấn: “Hỏi: Anh đến Pháp với mục đích gì? – Đáp: Để đòi quyền tự do cho nhân dân An Nam – Hỏi: Bằng cách nào?- Đáp: Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên. – Hỏi: Nhưng đất nước đã sẵn sàng chưa?… – Đáp: Tình cảnh nước Việt Nam thật đáng buồn. Ngoài chúng tôi (chỉ một số người yêu nước) chưa có sự chuẩn bị nào cả và các hoạt động vũ trang gần đây đã hoàn toàn thất bại và không có tiếng vang nào… – Hỏi: Từ lúc đến Pari tới nay, anh đã đạt kết quả nào rồi? – Đáp: Ngoài các nghị sỹ, tôi đã gặp tất cả những người chịu giúp chúng tôi…”.
– Ngày 30-9-1921, cùng ngày trên bài viết của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên hai tờ báo: Bài “Tội ác của chủ nghĩa thực dân” trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) và “Sự quái đản của công cuộc khai hóa” trên tờ Le Libertaire (Tự Do) đều có chung chủ đề tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa.
– Tháng 9-1943, từ Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết vào mép trắng của tờ Quảng Tây nhật báo một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán (được dịch ra quốc ngữ:
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”).
Kèm theo bài thơ là dùng chữ Hán với nội dung: Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên. Tờ báo được bí mật gửi về nước để báo tin cho các đồng chí biết người viết vẫn an toàn.
– Ngày 30-9-1945, Bác tổ chức bữa cơm tiễn A.Pátti, người đứng đầu Cơ quan tình báo OSS của Mỹ đã hợp tác chống Nhật. Sau bữa cơm, Pátti ngồi nói chuyện với người đứng đầu nhà nước Việt Nam tới tận khuya về những vấn đề thời sự. Lúc chia tay, hồi ức của Pátti ghi lại: Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa, cảm ơn tôi đã tới và đã chịu nghe ông “diễn thuyết”. Ông đặt tay lên vai tôi “Bon voyage, (chúc lên đường may mắn), mong sớm quay trở lại. Lúc nào ông cũng được chúng tôi hoan nghênh”. Khi xe tôi nổ máy, tôi nhìn lại vẫn thấy bóng nhỏ nhắn của ông ở cửa, vẫy chào tạm biệt. Tôi sực nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trong một tiệm trà ở Chiu Chou Chieh. Ông hiện ra mong manh, nhưng thực tế, thật là bất khuất.
– Cuối tháng 9-1960, nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01-10), Bác viết cho báo Nhân Dân 8 chữ Hán: “Việt – Trung hữu nghị, vạn cổ trường thành” (Tình hữu nghị Việt – Trung mãi mãi xanh tươi).
ST & BS
Nguồn: http://hoctapvalamtheobac-tpthuduc.hochiminhcity.gov.vn/-/loi-bac-ho-day-ngay-nay-nam-xua-ngay-30-thang-9-nam-1964-hoc-co-tot-hanh-moi-tot-hoc-va-hanh-tot-moi-lam-tron-nhiem-vu-nguoi-thanh-nien-cach-mang-?redirect=%2Ftin-tuc%2Ftin-tuc